Địa ngục trần gian và cuộc giải thoát ngoạn mục

( PHUNUTODAY ) - Mặc dù Hà Minh Trí trước sau như một khai rằng mình ám sát Ngô Đình Diệm là “tử vì đạo”, nhằm mục đích trả thù cho các thủ lĩnh và đồng đạo Cao đài, nhưng trong chính quyền Diệm cũng có người lờ mờ nhận ra Mười Trí là “cộng sản”.


 “Người lính giáo phái Cao đài” bị kết án tử hình và bị đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo. Cả chuyến ra đảo và chuyến trở về sau đó ông đều thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Số phận của người chiến sĩ cảm tử đã “ba chìm bảy nổi” theo cơn lốc chính trường Sài Gòn vào nửa đầu thập niên 1960. Cuối cùng, ông đã được giải thoát một cách ngoạn mục nhờ phong trào đấu tranh của nhân dân, sinh viên, báo chí Sài Gòn, trong đó có vai trò quan trọng của bà luật sư Ngô Bá Thành.

Chuyến tàu định mệnh

Sáng sớm ngày 31/8/1963, tại bến quân cảng Sài Gòn, có một cuộc chuyển tù quy mô nhất trong suốt giai đoạn cầm quyền của Ngô Đình Diệm. Ngoài một vài tử tù làm “nổi đình nổi đám” dư luận Sài Gòn khi ấy như Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư đã được đày ra đảo trước đó vài tháng, trên chuyến tàu bọc thép từ Sài Gòn ra Côn Đảo ngày 31/8 có mặt hơn 40 tử tù còn lại là sản phẩm của Luật 10/59 của chế độ Ngô Đình Diệm.

Ngoài số tử tù được đưa ra đảo chuyến ngày hôm ấy, anh em Diệm – Nhu không còn cơ hội để kết án tử thêm ai nữa, vì chỉ sau đó đúng 1 tháng, vào ngày 1/11/1963, đến lượt anh em họ Ngô bị “thay ngựa giữa dòng”, bị thi hành “án tử” bởi những phát đạn của tên Đại úy Nhung, trong chiếc xe bọc thép bịt bùng lúc sáng sớm trên đường phố Sài Gòn.

Trên chuyến tàu đặc biệt chở tù ra đảo ngày hôm ấy, ngoài “người lính giáo phái Cao đài” ám sát Ngô Đình Diệm tên Mười Trí, còn có hơn 40 tử tù khác, trong đó một số người sau đó đã chết dưới chế độ lao tù “địa ngục trần gian” Côn Đảo, còn lại đã trở về đất liền sau ngày miền Nam giải phóng, trong đó có những tử tù được nhiều người biết đến như ông Năm Thức (nhân vật trong bức ảnh nổi tiểng “Nước mắy ngày gặp lại” của NSNA Lâm Hồng Long) và ông Sáu Tuấn (người quăng lựu đạn ám sát tỉnh trưởng Kiến Hòa là Phạm Ngọc Thảo – Nguyễn Thành Luân). Ông Mười Trí là số ít trong số hơn 40 tử tù trong chuyến tàu ngày hôm ấy đã trở về đất liền sau đó và được giải thoát một cách ngoạn mục.

Trở lại chuyến tàu chuyển tù ra đảo cuối tháng 8/1963, ngoài 42 tử tù, còn có 15 tù mang án khổ sai chung thân, 20 người mang án “lưu đày biệt xứ” 20 năm, cùng khoảng 300 tù chính trị “cộng sản” khác mang án từ 5 đến 10 năm.

Cũng trong chuyến tàu định mệnh ngày hôm ấy có nhóm 10 sĩ quan quân đội của chính quyền Diệm làm đảo chánh lật đổ Diệm không thành, bị bắt lưu đày ra Côn Đảo, trong đó có những nhân vật tên tuổi như Phan Quan Đán, Phan Khắc Sửu (người có cảm tình với đạo Cao đài, sau đó lã lật đổ Nguyễn Khánh, lên làm “Quốc trưởng” chính quyền Sài Gòn thời gian ngắn).

Sở dĩ gọi đây là “chuyến tàu định mệnh”, vì số phận của tất cả những người trên tàu, cả những người tù, cả thuyền trưởng, các thủy thủ, đại đội lính áp giải, đã được định đoạt trước, chỉ có sự may mắn mà tất cả họ mới không bị chìm sâu dưới đáy biển, làm mồi cho cá.
Toàn cảnh Côn Đảo.
Toàn cảnh Côn Đảo.

Khi chuyến tàu vừa rời bến quân cảng Sài Gòn, một Đại úy phi công trong “Không lực Việt Nam Cộng hòa” là Huỳnh Minh Đường đã nhận lệnh trực tiếp từ Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến lái máy bay mang bom đi đánh đắm con tàu khi nó rời khỏi đất liền khoảng 20 hải lý. Mục đích của việc đánh đắm tàu là quá rõ ràng, khi mà trên tàu toàn là những thành phần chống đối chính quyền Diệm “có máu mặt”, việc đánh đắm tàu giữa trùng khơi cũng sẽ dễ dàng xóa được dấu vết.

Thế nhưng, người phi công được giao “phi vụ đặc biệt” ấy có cái đầu còn tỉnh táo hơn những người nghĩ ra phi vụ này, Đại úy Huỳnh Minh Đường thừa hiểu rằng, sau khi phi vụ kết thúc thành công, con tàu cùng mấy trăm người tù chìm dưới lòng biển cả, sẽ đến lúc số phận của người phi công bị một viên đạn lạc từ trong góc tối nào đó định đoạt, vì Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến không thể nào “ngây thơ” để quên cho anh ta sống bình thường, chuyện “giết người diệt khẩu” xảy ra quá thường tình dưới chế độ Diệm – Nhu.

Đại úy Huỳnh Minh Đường cũng mang đúng cơ số bom, lái máy bay cất cảnh khỏi đường băng Tân Sơn Nhất chậm hơn chuyến tàu chở tù đúng 8 giờ đồng hồ, cũng bay dọc theo sông Soài Rạp theo hướng con tàu chở tù vừa ra khơi. Thế nhưng, khi vừa ra tới biển, chiếc A37 đã chao nghiêng cánh, ngoặt về hướng miền Tây, vào địa phận tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay), bay dọc theo sông MêKông vượt qua biên giới Việt Nam – Campuchia, đến tận thủ đô PhnômPênh – Vương quốc Campuchia, báo tín hiệu xin đáp khẩn cấp xuống sân bay PhnômPênh.

 Đại úy Đường đã xin tị nạn và trốn đi nước khác sống lưu vong, không để lại dấu vết, vì sợ Ngô Đình Nhu lùng theo dấu trả thù. Vậy là, nhờ người phi công Sài Gòn biết thân phận “chó săn” của mình đã trốn sống lưu vong để không thực hiện “phi vụ đặc biệt”, mà những người đi trên chuyến tàu chở tù ra đảo ngày hôm ấy thoát chết. Trong số ấy có người chiến sĩ Hà Minh trí của chúng ta.


Sau hơn 1 ngày lênh đênh trên sông biển, chuyến tàu chở tù cặp bến Cầu Tàu, đưa ông Mười Trí và mấy trăm người tù đặt chân lên hòn đảo từ gần 100 năm qua đã nổi tiếng là “địa ngục trần gian”. Trong đầu ông hình dung Côn Đảo là hòn đảo chết chóc, hoang dại, khắc nghiệt... Thế nhưng, khi các hòn đảo lớn nhỏ trong quần đảo Côn Sơn thấp thoảng hiện lên cuối đường chân trời, ông Mười Trí cảm thấy Côn Đảo thật đẹp, thật đáng yêu.

Ông thầm nghĩ, đất nước mình nơi đâu cũng đẹp, cũng thiêng liêng, chỉ có kẻ thù mới biến nó thành nơi chết chóc, chất chứa tội ác, lòng căm thù. Những bãi biển mịn cát kéo dài đến mút mắt, những khu rừng nguyên sinh xanh rì, những ngọn núi cao thấp trập trùng phân bổ trên một vùng biển rộng.

Ông Mười Trí bồi hồi nhớ lại những kiến thức về Côn Đảo mà ông đã được học khi còn trong Đội An ninh biệt động N2 ở Vũng Tàu. Lúc ấy, người chú lãnh đạo vừa dạy chữ cho cậu thiếu niên gan dạ Đinh Dũng khi dạy về địa lý đất nước, đã nhắc đến rất nhiều về quần đảo đặc biệt này. Côn Đảo là tên một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách cửa biển sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo hay Côn Sơn cũng hay dùng cho tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này.

Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn. Quần đảo Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km², trong đó Côn Lôn hay Côn Sơn là đảo lớn nhất với diện tích hơn 50 km². Các đảo nhỏ hơn tiếp theo là hòn Côn Lôn Nhỏ (hay Hòn Bà, Phú Sơn, 5,45km²); hòn Bảy Cạnh (hay hòn Bãi Cạnh, 5,5km²); hòn Cau (hay Phú Lệ, 1,8km²)... Có những hòn diện tích chỉ một vài chục hecta như hòn Đá Bạc (còn gọi hòn Đá Trắng, 0,1km²), hòn Tài Nhỏ (hay hòn Thỏ, 0,1 km²)... Côn Đảo nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu - Á, vì vậy quần đảo này được người phương Tây biết đến rất sớm.

 Năm 1294 đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Ý Marco Polo, gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Hoa về nước bị một cơn bão nhấn chìm mất 8 chiếc, số còn lại đã dạt vào trú tại Côn Đảo. Đến thế kỷ 15 - 16 có rất nhiều đoàn du hành của châu Âu ghé qua Côn Đảo. Đến đầu thế kỷ 18 các nhà buôn phương Tây chính thức đặt chân lên Côn Đảo để điều tra, dò xét tình hình mọi mặt với dụng ý xâm chiếm Côn Đảo.

Năm 1702, Công ty Đông Ấn của Anh đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài và cột cờ. Sau 3 năm, ngày 3/2/1705 xảy ra cuộc nổi dậy của người đội lính đánh thuê của chính quyền Anh, làm quân Anh phải rời bỏ Côn Đảo.

Tháng 4/1861, Pháp đánh chiếm Định Tường, tháng 11/1861, quân Pháp đánh chiếm Côn Lôn. Chỉ mấy tháng sau, thực dân Pháp quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, biến hòn đảo này thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Vì vậy dưới thời Pháp thuộc đã có câu rằng: “Côn Lôn đi dễ khó về - Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”.
Nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo

 Tháng 9/1954 chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục chế độ nhà tù của Pháp và đổi tên quần đảo Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn. Sau này, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại đổi tên quần đảo này một lần nữa là Phú Hải. Vào lúc cao điểm, số tù nhân trên đảo lên đến hơn 8.000 người. Dưới chế độ tàn bạo của nhà tù, đã có khoảng 20.000 người Việt Nam đã chết và được chôn cất tại Nghĩa trang Hàng Dương, trong đó có những tên tuổi lớn như Võ Thị Sáu.

Sau ngày miền Nam giải phóng, nhà tù Côn Đảo bị xóa bỏ, quần đảo này trở thành 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam. Côn Đảo được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên rừng và biển với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng.

Côn Đảo có rừng nguyên sinh và biển được bảo tồn đa dạng sinh học, đây không chỉ là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học mà còn là nơi để các bạn đến để du lịch khám phá, với các chương trình di lịch sinh thái. Mới đây Côn Đảo được tạp chí du lịch Travel And Leisure công bố là một trong 20 hòn đảo chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất thế giới.

Trở lại với chuyến tàu cập bến Cầu Tàu ngày 1/9/1963 đưa người tù Hà Minh Trí lên đảo. Đoàn tù đã bị giải ngay về các khu trại giam, ông Mười Trí bị đưa về khu biệt giam giành cho các tử tù. Thật bất ngờ, trước khi bị đẩy vào phòng biệt giam, Mười Trí đã thấy những bạn tử tù từ hồi ở Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn là Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh từ xa, họ đưa tay chào nhau, ra dấu đấu tranh cho thắng lợi cuối cùng.

 Ông Mười Trí đã lần lượt trải qua hầu hết các đòn hành hạ như để thử sức với ý chí con người, từ buồng biệt giam dành cho tử tù cho tới “chuồng cọp” – một “sáng chế” dị thường có từ thời Pháp vẫn được chính quyền sử dụng để tra tấn đồng loại theo kiểu thời trung cổ.

Trong những lần đi “chuồng cọp” ở Côn Đảo, ông Mười Trí gặp lại người quen từ cái thời ở trại giam Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, đó là ông Nguyễn Đức Thuận, người mà sau đó vài năm đã được trả tự do và viết nên tác phẩm “Bất khuất” nổi tiếng tố cáo chế độ nhà tù vô nhân, man rợ của chính quyền Sài Gòn ra toàn thế giới.

Tuy trong những trang sách của Nguyễn Đức Thuận không nêu tên người bạn tù Hà Minh Trí, nhưng ngày nay đọc lại từng trang "Bất khuất", chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh người tử tù Mười Trí cùng với tác giả nếm trải sự thử thách của “chuồng cọp”.

Tác giả “Bất khuất” dẫn chúng ta đi qua những lò giết người cực kỳ man rợ, man rợ hơn cả bọn đao phủ thời Trung cổ, hơn cả bọn phát xít Hítle. Nguyễn Đức Thuận, Mười Trí cùng với biết bao chiến sĩ cộng sản kiên cường, biết bao người Việt Nam yêu nước, đã đối mặt với quân thù, chống chào cờ ba que, chống học tập "tố cộng", chống "ly khai" tới cùng. Các ông và những con người kiên cường vẫn đứng vững trong chồng cọp, đẩy lùi bàn tay thần chết, bắt lũ chúng phải quỳ lạy dưới chân mình.

Mỗi trang "Bất khuất"  là một trang thấm máu và nước mắt, tràn đầy một sức sống mãnh liệt, vang lên tiếng hát yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người, vang lên bài ca chiến thắng không bao giờ tắt. Với trên bốn trăm trang hồi ký, Nguyễn Đức Thuận đã phản ánh sâu sắc cuộc sống anh hùng với tinh thần cách mạng tiến công của những con người có thực, vạch trần hiện thực đen tối trong những địa ngục của xã hội miền Nam dưới gót sắt của ngoại bang.

"Bất Khuất" toả ra một niềm tin bất diệt vào sự nghiệp cách mạng, nêu cao phẩm giá của những con người nhận thức được quy luật và chân giá trị cuộc sống, biết sống và biết chết xứng đáng là Người. Nguyễn Đức Thuận và Mười Trí nhờ những xáo trộn liên tục trong chính trường Sài Gòn mà được rời khỏi đảo gần như cùng lúc. Thế nhưng, số phận vẫn chưa vội mỉm cười với người chiến sĩ của chúng ta. Tại trại giam Chí Hòa – Sài Gòn, ông Mười Trí tiếp tục chơi trò ú tim với số phận, trước khi được giải cứu một cách ngoạn mục.

Cuộc giải cứu ngoạn mục

Sau khi Cuộc đảo chính lật đổ chế độ gia đình trị năm 1963 nổ ra, dẫn đến cái chết của anh em nhà họ Ngô, những tưởng “người lính giáo phái Cao đài” từng ám sát Ngô Đình Diệm sẽ được Hội đồng tướng lãnh cầm đầu vụ đảo chánh lật đổ Diệm xem xét và ghi công, sẽ trả tự do cho Mười Trí với tư cách là tù nhân chính trị đối lập chống chế độ Ngô Đình Diệm.

Thế nhưng, mọi việc không đơn giản như thế, mặc dù ông vẫn được đưa về Sài Gòn, nhưng không phải để phóng thích, mà để thẩm tra và phục vụ một âm mưu hèn hạ khác. Sau này ông Mười Trí được biết, sau cuộc đảo chánh 1963, viên tướng thất sủng trước đó Mai Hữu Xuân được dịp diễu võ giương oai, ông ta bắt đầu tính chuyện “ân đền oán trả”.

Chuyện “ân oán” viên tướng này đau nhất chính là chuyện bị anh em Diệm – Nhu cho ra rìa sau lời khai của “người lính giáo phái Cao Đài” rằng vụ ám sát Ngô Đình Diệm ở Buôn Mê Thuột là do Dương Văn Minh và Mai Hữu Xuân chỉ đạo. Trong khi Minh Lớn (tướng Dương Văn Minh, người cầm đầu cuộc đảo chánh) không quan tâm tới lời khai năm nào của người ám sát Diệm (mà cũng có thể do quá nhiều việc sau cuộc đảo chánh, ông ta không có thời gian để nhớ về những chuyện ân oán ngày trước), thì Mai Hữu Xuân vốn “nhỏ nhặt”, đã quyết “đòi món nợ lời khai năm 1957” của Hà Minh Trí.

Chính Mai Hữu Xuân đã dàn xếp để đưa Mười Trí từ Côn Đảo về Sài Gòn, với mục đích gì có lẽ chúng ta cũng phần nào đoán được, nhất là khi Mai Hữu Xuân thừa biết Hà Minh Trí thực chất là ai, ám sát Ngô Đình Diệm vì mục đích gì. Thế nhưng, do chính trường Sài Gòn biến động quá nhanh, giống như cơn lốc lớn, cuốn tất cả mọi người vào vòng xoáy vô định của nó.
d
Ông Mười Trí

Mai Hữu Xuân chưa kịp thực hiện chuyện “ân oán” với Hà Minh Trí thì ông ta lại phải ra rìa trong bàn cờ chính trị đang sôi sùng sục ở Sài Gòn, nhờ đó mà ông Mười Trí đã không có cuộc chạm mặt với Mai Hữu Xuân được báo trước là “lành ít dữ nhiều”. Dù vậy, giới quan chức ở Sài Gòn cũng lờ mờ nhận ra Hà Minh Trí là ai.

Có lẽ chí khí, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất mà người tử tù thể hiện trong thời gian ở Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn, nhất là sau này ở Côn Đảo đã mách bảo với bọn cai ngục rằng, Hà Minh Trí không phải là ai khác, mà chính là một chiến sĩ cộng sản. Vì vậy mà Hà Minh Trí không được phe đảo chánh trả tự do, họ tiếp tục giam ông, thẩm vấn ông. Cho tới một ngày “phúc hữu trùng lai” mới giúp Mười Trí thoát khỏi sự giam cầm của đối phương.

Cái phúc thứ nhất đến với Mười Trí là bà luật sư Nguyễn Bá Thành và nhà báo Nguyễn Lâm bị bắt đẩy vào tù giam chung với ông. Vào thời điểm ấy, đầu năm 1964, Dương Văn Minh được quan thầy Mỹ chọn làm Quốc trưởng, Nguyễn Khánh làm Thủ tướng. Thời gian này, sinh viên học sinh xuống đường biểu tình rầm rộ. Ông Mười Trí mới đưa từ đảo về, được chứng kiến nhiều sinh viên, học sinh bị bắt do biểu tình chống đối, đưa vào trại giam rất nhiều. Cũng trong thời gian này, bà luật sư Ngô Bá Thành và nhà báo Nguyễn Lâm bị bắt trong phong trào đấu tranh của trí thức Sài Gòn đòi quyền tự quyết, đòi Mỹ không can thiệp vào nội bộ Việt Nam.

 Gặp Mười Trí trong trại giam, bà Ngô Bá Thành rất ngạc nhiên vì bà nghĩ rằng “người lính giáo phái Cao đài” ám sát Ngô Đình Diệm ngày nào tất nhiên là đã được trả tự do sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Bà Ngô Bá Thành hướng dẫn Mười Trí viết đơn gởi cho chính quyền Sài Gòn với nội dung: “Người chống Diệm, nay Diệm không còn, tại sao không được trả tự do?” Sau đó bà luật sư Ngô Bá Thành và nhà báo Nguyễn Lâm được thả, họ viết nhiều bài báo về chuyện Hà Minh Trí vẫn còn bị cầm tù như là chuyện khó hiểu, bất công của chính quyền tay sai.

Ông Hà Minh Trí cũng viết thư gởi cho Tướng Cao đài Phạm Ngọc Chẩn yêu cầu can thiệp trả tự do cho “người lính giáo phái Cao đài”. Cùng lúc đó, điều “phúc” thứ hai đã đến với Mười Trí, đó là một cuộc đảo chánh khác vào tháng 9/1964 đã loại bỏ Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, đưa Phan Khắc Sửu lên làm Chủ tịch Thượng Hội đồng quốc gia, rồi lên làm Quốc trưởng sau đó.

Phan Khắc Sửu là “người nhà” của đạo Cao đài, vì vậy mà những tín đồ Cao đài được quan tâm giúp đỡ. Mặt khác, Phan Khắc Sửu từng bị anh em Diệm – Nhu bắt giam, đày ra Côn Đảo, nên là “bạn tù” của Hà Minh Trí. Với tất cả những điều kiện đó, Mười Trí được trả tự do là điều không thể khác hơn được.

 Thế nhưng, trước khi được trả tự do, chính quyền Sài Gòn cũng chơi đòn cân não cuối cùng. Ông Mười Trí được gọi lên gặp một nhân vật cũng vừa ở nhà tù Côn Đảo ra, tên là Nguyễn Chữ, được phe đảo chánh trao cho chức vụ Uỷ viên An ninh kiêm Chủ tịch Hội đồng cứu xét phóng thích chính trị phạm. Ông Mười Trí nhớ lại, ngay khi vừa gặp mặt, Nguyễn Chữ bắt tay ông và hỏi ngay:
    
- Khoẻ không, đồng chí cộng sản núp bóng Cao đài?

Mười Trí bính thản nhìn thẳng vào mắt hắn trả lời:

- Tôi vẫn khoẻ, còn ngài tù Côn Đảo thế nào?

 Nguyễn Chữ cố kìm nén dưới nụ cười bí hiểm, hỏi tiếp:
 
 - Nếu tôi thả anh ra, anh sẽ làm gì, không chống lại tôi chứ?

Hà Minh Trí cười đáp:

- Không lẽ tôi giành làm Chủ tịch Hội đồng phóng thích phạm nhân như anh? Chỉ có anh mới lèo lái chính trị giỏi như vậy.

- Ra khỏi tù, anh có chắc là không theo cô Kim Hưng? Nguyễn Chữ tấn công tiếp. Hắn thừa biết Mười Trí và người nữ tù Kim Hưng (bị bắt cùng phong trào đấu tranh với Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, mới được trả tự do, sau này trở thành vợ Mười Trí) đã quen nhau khi ở Tổng Nha và có tình cảm với nhau và hắn cũng biết Kim Hưng là cộng sản. Hắn mượn câu nói đó để khẳng định Mười Trí là cộng sản chứ không phải Cao đài.

Mười Trí né tránh câu hỏi, trả lời theo hướng khác:

 - Tùy mấy anh, nhưng nếu tôi chưa được trả tự do thì coi như như chế độ Ngô Đình Diệm vẫn còn nguyên.

Một thời gian sau, Phan Trung Chánh - Giám đốc Trung tâm Thẩm vấn mời Mười Trí lên làm việc. Vừa gặp, Chánh tươi cười nói: “Cụ Phan Quốc Sửu đã làm Quốc trưởng rồi, lính Cao đài tụi mình lên hương.

Anh là lính Cao đài từng ở tù chung với cụ Sửu, bởi vậy cụ đã ra lệnh cho chúng tôi thả anh.Vừa làm thủ tục trả tự do cho Mười Trí, Phan Trung Chánh vừa xun xoe: “Nếu sau này được cụ Sửu trọng dụng, anh làm ơn nhớ tới người thả anh hôm nay”. Vui miệng, Phan Trung Chánh kể: “Sở dĩ sau khi Diệm – Nhu đã bị giết mà anh vẫn còn bị giam, là do tụi Cần Lao Nhân Vị của Ngô Đình Nhu còn lại trong bộ máy cảnh sát, chung ém hồ sơ của anh lại, tuyên truyền anh là cộng sản và tính chuyện thủ tiêu anh”.

Cầm giấy trả tự do trong tay, Hà Minh Trí bước ra khói nhà tù, lúc ấy trời đã xế chiều. Mười Trí khoan khoái hít thở không khí tự do, điều mà ông khao khát suốt 8 năm 16 ngày qua. Đó là ngày 10/3/1965.


Thiên Thanh
[links()]
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn