Thư gửi cô giáo - người đã đánh vào đầu con chị!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chiều nay đứng núp sau cánh cửa lúc đón con, chị đã thấy em – cô giáo chị tin tưởng hàng ngày nhanh tay tát con chị vào đầu.

Hôm nay là thứ sáu – ngày cuối tuần nên chị xin sếp về sớm hơn một chút sau khi đã hoàn thành công việc để đón con sau giờ tan làm. Lòng chị vừa háo hức vừa vui vì cả tuần con đi học, chị thì bận bịu với công việc nên lòng lúc nào cũng thấy thật tội lỗi. Chị vì vừa muốn gây bất ngờ cho con vừa tò mò xem con và các bạn đang làm gì, vui chơi thế nào khi không có mẹ ở bên nên chị đứng núp vào cánh cửa.

Thế nhưng chị vô tình được chứng kiến những cảnh này và chị thật sự bất ngờ: Chỗ này bé con nhà chị và một bạn nữa đã ăn xong bữa chiều, đang chơi đồ chơi nhưng lỡ làm đổ rổ đồ chơi xuống sàn vương vãi tung tóe, em nhanh tay tát các con mỗi đứa một cái vào đầu. Chỗ kia vẫn còn một vài bạn ăn chậm chưa xong đang cố ăn nốt cho xong, miệng em liên tục giục các con: “Ăn nhanh lên!”, đôi khi thấy lâu quá em liền chỉ thẳng ngón trỏ vào mặt các cháu, lừ khừ những tiếng kêu trong cổ họng: “Ăn nhanh không, cô cho đứng góc bây giờ. Có ăn không?”. Em vô tình không thấy ánh mắt sợ sệt của bọn chúng khi bị cô đánh, cô dọa. Những đứa trẻ thì cun cút chạy lại chỗ khác, hoặc cố đảo cơm, cháo trong miệng cho nhanh.

Để trẻ ngoan cem là cô giáo thì có thể phạt, nhưng không phải phạt theo cách em đang làm. (Ảnh minh họa: Internet)

Lúc đó chị đứng tim, người chị như bị tê liệt mấy vài giây, miệng nghẹn đắng và lòng thì ấm ức khôn tả. Thì ra những lúc phạt các con em đều như thế hoặc đánh vào đầu hoặc dọa nạt. Chị không phủ nhận việc hàng ngày em phải quản lý hàng chục bé, đứa còn mè nheo, đứa ăn kém, đứa thì đôi khi còn ị đùn cả ra quần, đứa thì ốm thò lò mũi xanh… khiến em phải vất vả quay như con thoi. Em vất vả. Em căng thẳng. Chị cũng thấu hiểu nghề nghiệp mà em đang làm. Chị vô cùng hiểu điều đó. Trông một đứa trẻ suốt một ngày không hề đơn giản, vì chị cũng trông con chị, nên chị hiểu, chị không trách em. Để trẻ ngoan em có thể phạt, nhưng không phải phạt theo cách em đang làm.

Thay vì đánh vào đầu, em có thể dùng những hình phạt có văn hóa hơn như: yêu cầu các con tự nhặt lại đồ vào giỏ, sẽ không được chơi nữa nếu còn tiếp tục không gọn gàng, hoặc quá lắm có thể vỗ nhẹ vào mông con. Hoặc nếu con ăn chậm em cũng đừng giục hoặc chỉ tay như thế.

Chị hàng ngày đi làm 8 tiếng, vội vàng về đón con rời trường cơm nước, chăm sóc gia đình, chị tin tưởng vào em, giao con cho em ngần ấy tiếng mà yên tâm đi làm. Vậy mà con chị, một đứa trẻ 24 tháng, thay vì hỏi con hàng ngày: “Hôm nay con có vui không?” thì chị lại hỏi: “Hôm nay cô giáo có đánh, mắng con không? Ngay lập tức nó chỉ vào đầu. Rồi những lúc trong mâm cơm, thấy con cứ dương dương tự đắc giơ ngón trỏ, mặt thì hằm hằm chỉ vào bố: “Có ăn nhanh không, phạt đứng góc bây giờ?”. Là chị đã quá chủ quan khi tin tưởng em. Chỉ đến khi con có những hành động như thế ở nhà với những người thân trong gia đình chị mới giật mình. Con trẻ vô tư nhưng con trẻ cũng để ý và học rất nhanh.

Đón con về nhà, lòng chị buồn và hoang mang vô cùng. Hôm nay chị chẳng buồn nấu cơm, chẳng buồn làm gì nữa, chị phân vân không biết nên làm thế nào. Điện thoại để nói rõ chuyện với em, điện thoại góp ý với cô phụ trách hay thôi im im mà chuyển trường cho con…? Mà có chuyển trường cho con thì liệu có gì đảm bảo được con chị sẽ không bị đánh, bị dọa như thế thêm một lần nữa? Giữa lúc công việc căng thẳng, đi làm lúc nào cũng bù đầu với một núi việc và lúc nào cũng “căng” mình để có thời gian dành cho gia đình, chị thấy thực sự hoang mang em à. 8 tiếng con chị ở cùng em, rồi con chị sẽ ra sao nếu như em vẫn tiếp tục những hành vi như thế khi các con làm sai điều gì đó?

Theo:  khoevadep.com.vn