Những đền chùa không thể bỏ qua khi du xuân ở miền Bắc

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Cùng điểm qua những ngôi chùa nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ trong ngày xuân ở miền Bắc.

Du xuân, lễ chùa đầu năm từ lâu đã là truyền thống quý báu của người dân. Mọi người đi chùa để cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình trong suốt cả năm cũng như để vãn cảnh du xuân. Cùng điểm qua những ngôi chùa nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ trong ngày xuân ở miền Bắc.

1. Chùa Hương

Nhắc đến những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam không thể không kể đến chùa Hương, quần thể văn hóa tôn giáo với hàng chục ngôi chùa. Chùa Hương nằm ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Chùa Hương nổi tiếng với pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng bằng đá, có dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Bồ Tát. Trong động Hương Tích còn có quả chuông đồng cao 1,24 m.

Mùa lễ hội chùa Hương kéo dài từ sau tết Nguyên đán đến tháng ba âm lịch. Du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh núi cao rừng thẳm, suối dài được kết hợp hài hoà giữa một vùng đồng bằng ruộng lúa xanh tươi. Việc di chuyển bằng đò trên suối Yến từ lâu đã làm nên nét hấp dẫn của khu di tích này. Động Hương Tích - nơi chúa Trịnh Sâm đến vãn cảnh động đã tự tay đề lên cửa động "Nam thiên đệ nhất động".

2. Chùa Yên Tử

Nổi tiếng không kém chùa Hương chính là chùa Yên Tử, Quảng Ninh, một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất. Chùa nổi tiếng với chùa Đồng nằm trên đỉnh Yên Sơn thuộc độ cao 1068m so với mực nước biển.

Chùa Yên Tử được coi là nơi cội nguồn của Phật giáo Việt Nam. Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử trải dài ngót 20km, dọc lộ trình của vua Trần Nhân Tông về Yên Sơn tu hành rồi hiển Phật. Hàng năm, chùa Yên Tử là một trong số những ngôi chùa có lượng khách viếng thăm lớn nhất cả nước.

3. Chùa Bái Đính

Nằm ở tỉnh Ninh Bình và là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của vùng đất cố đô. Chùa Bái Đính chính là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á với 500 tượng La Hán được tạc bằng đá trắng nguyên khối tinh xảo, sống động.

Khuôn viên cả khu chùa Bái Đính có diện tích 107 ha, tại ngôi chùa này có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á nặng 100 tấn và ba pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn...

Ngay trên đường lên chùa, du khách đã gặp hai tháp chuông. Tháp lớn có 3 tầng, 24 mái, đặt quả chuông đồng nặng 36 tấn. Nét độc đáo là trên thân chuông có khắc bài kinh Đại Bi Bát Nhã bằng chữ Hán cùng nhiều hoa văn theo chủ đề Thiền học và Phật học.

4. Đền Trần

Đền Trần ở phía đông chùa Phổ Minh, thuộc xã Lộc Vượng, Nam Định. Đền được xây trên phần đất của cung điện Trùng Quang nhà Trần. Trong quần thể Đền Trần có đền Thiên Trường được xây dựng từ thời hậu Lê, thờ 14 vị vua Trần.

Ngày lễ quan trọng nhất tại lễ hội đền Trần là lễ khai ấn. Hoạt động này khởi nguồn từ tập tục là sau những ngày nghỉ Tết, từ rằm tháng Giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường. Lễ khai ấn thường được tổ chức vào đêm ngày 14 rạng ngày 15 tháng giêng hàng năm.

5. Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất của Hà thành. Hàng năm, vào dịp đầu năm, rất đông người tới từ nhiều nơi đều tới Phủ Tây hồ để cầu xin may mắn cho cả năm.

Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây. Ở ngay đầu làng có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ).

6. Chùa Hà

Chùa Hà còn được nhiều người gọi bằng cái tên chùa cầu duyên. Đa phần những người tới nơi đây là những học sinh, sinh viên, những người trẻ tuổi. Họ đến để câu duyên cho bản thân mình.

Chùa trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy được nhiều người dân Hà Nội biết và đến lễ vào những dịp Tết, ngày rằm. Đến đây không chỉ có những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình, mà còn cả những đôi bạn trẻ đến cầu mong cho chuyện tình cảm tốt đẹp hơn.

7. Chùa Bút Tháp

Chùa ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ 17). Theo lịch sử, chùa được bà Trinh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế.

Chùa Bút Tháp có nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ độc đáo tài tình, có nhiều tượng Phật và cổ vật quý. Pho tượng Quan Âm trong chùa cao 3,7m, có 11 đầu, 42 bàn tay lớn và 958 tay nhỏ. Mỗi bàn tay có một mắt, độc đáo là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau.

Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung. Toà "Cửu phẩm Liên Hoa" bằng gỗ, gồm 9 tầng có khắc tượng phật xung quanh.Đặc biệt là nó có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu dù được làm từ mấy thế kỷ.

8. Đền Bà chúa Kho

Đền Bà chúa Kho nổi tiếng cả nước là nơi để mọi người cầu xin cho việc làm ăn được thuận lợi, gặp nhiều may mắn. Hàng năm, cứ đến ngày đầu xuân, rất đông người dân, đặc biệt là những người làm kinh doanh đều đến đây để xin "lộc rơi lộc vãi".

Mọi người lên lễ Bà Chúa Kho để vay tiền hoặc xin "lộc rơi lộc vãi". Vay thì thủ tục khá rắc rối, phải qua nhiều ban bệ. Đa số mọi người lên xin lộc rơi lộc vãi nhưng năm nào cũng lên tạ lễ Bà đã phù hộ cho.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn