Con nào là của cha?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong đằng đẵng cuộc sống vợ chồng, theo một quan niệm “hàn lâm” nặng nề lý thuyết thì con cái luôn là một mối gắn kết đặc biệt.

Đó là lộc trời cho, là phúc đẳng hà sa, là nhiều thứ vời vợi định nghĩa cao cả hơn nữa… Nhưng ô hay, đôi khi sự hiện hữu một bề của những em bé gái xinh xắn cũng chưa chắc thỏa mãn được sự thèm khát con cái bởi ích kỷ định kiến mang tên con trai.

Uẩn ức đói khát quí tử luôn đậm đặc tự ti như những con sóng gầm gào dưới đáy sông trong nhiều gia đình và ám ảnh những người cha.

Bạn thân tôi mới sinh cháu thứ 3, tất nhiên canh bạc vớt sau 6 năm chờ đợi là 'giai'. Sự hồ hởi ra mặt của một đại gia đình phố cổ có của nả là những thứ đồ chơi xa xỉ, quần áo xanh đỏ đắt tiền họ hàng tấp nập mang tới…

Mô tả ảnh.
Một câu nói AQ thường được các ông bố một bề trầm ngâm tâm sự rằng “Con nào chả là con” nhưng tôi luôn đặt dấu hỏi: Con nào là con của cha? (Ảnh minh họa).

Tôi ghé thăm vợ con bạn thì hai chị cháu co ro một góc phòng khách, thấp thỏm mắt ầng ậng nước ngại ngùng, lễ phép hỏi :“Bác có mua đồ chơi cho con không hay chỉ em Tít thôi ạ? Đồ chơi con hỏng hết rồi”.

Cô chị nói thêm: “Mẹ đẻ em Tít xong ba cũng không có đưa chúng con đi ăn kem nữa bác à”.

Tôi bỗng thấy mình có lỗi và cùng cực vô duyên.

Ngày vợ tôi đẻ, giường kế bên có sản phụ hơn 45 tuổi đẻ mổ đứa thứ 4. Bố chồng vào phòng hậu sản không chào hỏi ai, việc đầu tiên sỗ sàng kéo bỉm sờ “chim” cháu nội độc đinh, bốc điện thoại oang oang về quê :”Này, giỗ cụ năm nay nhà tôi đóng góp 3 suất đinh”. Nhiều năm qua bố chồng chị đều cáo bận về quê ăn giỗ.

Có lẽ nơi thể hiện rõ văn hóa “trọng nam” là nhà hộ sinh. Những ông bố sinh con trai hớn hở như trẻ con cầm cả xấp tiền đi chia “lộc” dọc hành lang bệnh viện. Những người cha con gái đầu lòng bê trễ uể oải ngay cả trong cách rót nước sôi pha sữa, một số khác cứ chiều xuống là mất tích khi đêm muộn trở về trông vợ sặc sụa mùi cồn…

Nhà văn Nguyễn Việt Hà từng mạnh dạn đánh giá cao về con gái trên một tạp chí dành cho đàn ông rằng, đối với những người đã vất vả làm cha, tất thảy đều rất tâm đắc với thành ngữ: "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”.

Và khi chới với để đầu tư cho tương lai, con cái được coi như một thứ của để dành. Tới lúc chân tay thì lẩy bẩy, mồm miệng thì móm mém chẳng trông vào ai dù rằng con cháu nhiều đứa thuộc làu làu chữ Hiếu nhưng còn ngần ngại lắm việc đổ bô nên không ít các cụ bi quan khôn sớm nhặt nhạnh gửi vào sổ tiết kiệm... “trẻ cậy cha, già cậy ...tủ”. Không ít thằng con trai còn âm thầm điều tra chỗ cụ chôn vàng rồi lại âm thầm tìm mọi cách đưa cụ đi trại dưỡng lão tư thục mọc như nấm thời nay.

Trong cái thế hiểm nguy nhan nhản thập diện mai phục đó, chắc chắn với số đông các người cha thì con gái đầu lòng luôn là thứ đáng tin bậc nhất.

Lịch sử văn học Việt Nam đã minh chứng điều đó trong nhiều tác phẩm như thi hào Nguyễn Du với “Kiều” hay “Tắt đèn” của cụ Ngô Tất Tố. Con gái luôn ngậm ngùi OK không chớp mắt trong những canh bạc cuộc đời của cha mẹ và điều đó hiển nhiên là tuyệt chủng với những thằng con giai trót đang le te miết mải bon chen guốc giày xe pháo…

Một câu nói AQ thường được các ông bố một bề trầm ngâm tâm sự rằng “Con nào chả là con” nhưng tôi luôn đặt dấu hỏi: Con nào là con của cha?

Bỏ chồng, đừng bỏ mình!
Liệu chúng ta có thể sống như một phụ nữ thông minh, cân nhắc kỹ bằng khối óc, trước khi để cho con tim rung động hay không?
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn