"Đào tạo được tiến sĩ nhưng không làm được ốc vít"?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bức xúc với sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ của VN, đại biểu Trần Quốc Tuấn chỉ rõ, đào tạo tiến sĩ nhưng không làm được ốc vít.

Thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015, ngày 21/10, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) băn khoăn về sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ đến mức không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị để cung cấp ốc vít cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tường thuật của báo Tuổi trẻ TP.HCM dẫn lời ông Tuấn: “Ta đào tạo được tiến sĩ sao không làm được con ốc vít?”

Cũng liên quan tới vấn đề này, Đại biểu Trần Văn Tuý (Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại sự đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế nước ta.

Mô tả ảnh.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại thảo luận tổ.

Ví dụ như ở Bắc Ninh, chỉ tính riêng hai tập đoàn sản xuất Samsung và Canon đã đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vấn đề là hai cơ sở của Samsung và Canon xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng rất lớn - chủ yếu nhập linh kiện từ Trung Quốc, trong khi đó công nghiệp phụ trợ của ta chưa đáp ứng được yêu cầu và rất khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính vì thế, nhiều đại biểu chung đề xuất Quốc hội cần có Luật về công nghiệp hỗ trợ để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quan trọng này.

Nỗi băn khoăn của các vị đại biểu quốc hội hẳn bắt nguồn từ việc vừa qua, tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện để Việt Nam có thể làm để cung ứng cho GalaxyS4 và Tab.

Sau khi cho biết trong năm 2013 Samsung VN phải bỏ ra tới 19,8 tỉ USD để mua các thiết bị, linh kiện... ông Jang Hoyoung - giám đốc mua hàng Samsung VN - khuyến khích doanh nghiệp VN tham gia chuỗi cung ứng này, đồng thời khẳng định triết lý mua hàng của Samsung là: mở, tương sinh và công bằng.

Theo ông Jang, các linh kiện Samsung cần mua gồm đủ loại, từ khuôn màn hình tinh thể lỏng, sạc pin, bộ ống nghe, loa, đến ăngten, bàn phím... và cả các sản phẩm đơn giản như ốc vít, vỏ pin, tem nhãn...

Chỉ tính riêng sạc pin các loại, mỗi năm Samsung cần 400 triệu chiếc. Tính lãi sơ sơ mỗi cái sạc pin là 0,5 USD, mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam đút túi 200 triệu USD.

Thế nhưng, ông Trương Thanh Hoài – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công thương lại công bố: "Khi hỏi các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm truyền thống, câu trả lời là: Chưa làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành). Mà trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe".

Hay cách đây mấy năm, Công ty Canon – Nhật Bản đã lùng khắp nước Việt, làm việc với 20 doanh nghiệp để đặt mua ốc vít, nhưng không doanh nghiệp nào sản xuất được.

Ngay đến việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng phải than vãn những năm gần đây nhu cầu về các loại sơn để sơn linh kiện, khung gầm, thân vỏ xe ngày càng tăng cao nhưng chỉ có các nhà cung cấp sơn nước ngoài hoặc DN FDI đến chào mời sử dụng sản phẩm của họ. Không hề thấy bóng dáng các DN Việt Nam.

Về vấn đề này, một DN sản xuất sơn của Việt Nam lý giải, sơn dùng trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy là sơn công nghệ cao, đòi hỏi đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Mô tả ảnh.
Nhiều tiến sĩ VN không tự sản xuất được ốc vít.

Giám đốc một DN ô tô tại Hà Nội tiết lộ có sử dụng sơn của DN Việt Nam nhưng chỉ để sơn hàng rào nhà máy, còn sơn nhà xưởng cũng không dùng được, vẫn phải mua sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan.

Ngay cả khi đã đầu tư sản xuất sơn tại Việt Nam, các DN FDI cho biết toàn bộ nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu.

Trong khi, theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.

Có lẽ vì thế mà PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: “Số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới".

Những điểm lắp camera giao thông phạt nguội tại Hà Nội
Dự kiến tới cuối năm, 4 quận nội thành sẽ lắp đặt khoảng 450 camera và Hà Nội chính thức áp dụng biện pháp phạt nguội xe vi phạm qua hệ thống này.
Theo:  khoevadep.com.vn copy link