Thiên thần và "thợ đút cháo"

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Với nền móng quá sơ sài, họ - những bảo mẫu không được đào tạo bài bản trở thành thợ - đút – cháo, sẵn sàng bạo hành trẻ khi chúng không nghe lời

Ở trại phong Bến Sắn (Tân Uyên, Bình Dương) có nhiều cô bác sống cả đời trong này, bệnh đã hết từ lâu nhưng để lại di chứng phổ biến là ngón tay bị rụng, lòng bàn chân bị ăn thủng thành lỗ đáo. Mới nhìn kể cũng sợ. Một thời căn bệnh "cùi" chính là bản án tử giáng xuống người mắc bệnh, giáng xuống cả gia tộc họ. Ai nghe nói nhà có "mả cùi" cũng tức tốc tránh xa.

Tiểu thuyết ngày xưa còn có tình huống quen thuộc: cô gái xinh đẹp nhà giàu bị chàng trai yếu thế phao tin mắc bệnh cùi để dẹp sạch đối thủ cạnh tranh, sau đó sắm vai quân tử chân nhân vớt nàng làm vợ, tọa hưởng cả gia tài lẫn sự biết ơn nặng như non của cả nàng lẫn gia tộc...

Bây giờ, căn bệnh phong đã có thuốc chữa khỏi từ lâu nhưng dư âm vẫn đủ gây sợ hãi cho không ít người. Có những người bạn được học hành tử tế của tôi rất muốn đi thiện nguyện nhưng khi được chỉ lên trại phong là lập tức tháo chạy vì sợ bị lây.

Ấy vậy nhưng từ 50 năm nay, các nữ tu dòng Nữ tử Bác ái và sau này là các bác sĩ, điều dưỡng viên... vẫn hàng ngày chăm sóc vài trăm người bệnh phong đủ các lứa tuổi. Thay băng, rửa vết thương, thậm chí tắm rửa và cắt móng tay, tất cả việc cá nhân, vì hầu hết bệnh nhân phong bị gia đình chối bỏ. Không thấy ai e sợ, không có tiếng gắt gỏng ở đây. Gương mặt ai cũng hiền hòa như có ánh sáng từ bên trong. Cả trại phong là một công viên mát rượi với những hàng cổ thụ cao tắp xanh ngắt, bồn hoa rực rỡ và lối đi được chăm nom sạch sẽ.

Mô tả ảnh.
Bảo mẫu "phù thủy" vẫn thường được gọi là "thợ đút cháo" (Ảnh: Tuổi trẻ)

Ở một mái ấm nuôi trẻ bại não của các sơ ở Củ Chi, TP HCM cũng có hàng chục trẻ bại não đủ các lứa tuổi. Có những bé rất nghịch ngợm phá phách. Nhiều bé thậm chí không có phản xạ nhai nuốt, các sơ phải xay nhuyễn thức ăn rồi đút từng muỗng một. Có khi được nửa bữa bé lại ói sạch, lại đút lại từ đầu.

Những bé ngồi được sẽ được đưa vô xe lăn, được sơ đẩy ra đi dạo ngoài vườn một vòng để cặp mắt chúng được nhìn thấy thiên nhiên. Những đứa bé tí được bế ra khỏi cũi đặt nằm ngo ngoe chung với nhau trên tấm nệm rộng giữa phòng. Chúng cũng cần được nựng nịu vuốt ve và cảm thấy hơi ấm từ đứa trẻ khác. Nếu có người tình nguyện, chúng sẽ được bế bồng, dù chỉ một chút.

Không thể so sánh các sơ ở những mái ấm này với các bảo mẫu ở Trung tâm Linh Xuân, vì một bên là lẽ sống, là sự tự nguyện hiến trọn đời mình cho việc chăm sóc người bệnh, vì tình thương còn một bên-có lẽ-chỉ coi là công việc đơn thuần kiếm sống. Cũng không thể so sánh cuộc đời giản dị của các sơ với đời sống chắc nặng lo toan cơm áo, gia đình của các bảo mẫu nọ. Nhưng, cũng không có lý do gì để các bảo mẫu bào chữa cho những cú tát, đập vào đầu, đá lăn lông lốc, dằn ngửa ra dốc nước vào họng.. những đứa trẻ bất hạnh vừa chập chững biết đi.

Ngoài tình thương và sự dâng hiến, khác biệt cơ bản nào đã tạo ra những bà sơ như thiên thần hay các "bảo mẫu phù thủy" (danh xưng báo chí đặt cho bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa cách đây bảy năm)?

Theo tôi, đó là do công việc bảo mẫu trong các nhà trẻ ở Việt Nam không được đánh giá đúng. Nhiều phụ nữ học vấn thấp, không có chuyên môn nhưng chỉ cần đăng ký đi học sơ sơ một khóa nghiệp vụ vài tháng đã có thể gánh vác trách nhiệm nuôi dạy trẻ trong phần lớn thời gian, thay cho cha mẹ chúng. Vì nền móng quá sơ sài này mà dân gian giễu cợt gọi nghề nghiệp của các cô là "thợ đút cháo"-chẳng phải nghề yêu cầu cao và đáng trọng gì hết.

Điều này hoàn toàn khác với các nước phát triển đòi hỏi người làm nghề nuôi trẻ phải qua đào tạo chuyên môn ở bậc đại học, được kiểm tra mức độ phù hợp với công việc và luôn được đào tạo lại trong suốt quá trình làm việc.

Mô tả ảnh.
Những bảo mẫu phù thủy ám ảnh cả tuổi thơ của các em nhỏ (Ảnh: VTC)

Với các trẻ đặc biệt về thể chất và tinh thần, bảo mẫu càng phải được đào tạo chuyên môn sâu và chọn lọc rất kỹ qua thực tế. Dĩ nhiên qua sự tuyển chọn không dễ dàng đó, họ có đời sống tương xứng và sự tin tưởng của xã hội.

Còn các "thợ đút cháo" Việt Nam thì sao? Lương thấp, quá tải công việc, áp lực trực đêm, đánh vật với lũ trẻ từ chuyện đút ăn đến dạy dỗ.. và vị thế xã hội rất thấp, nhưng trong sách vở hoặc khi cần ca ngợi thì họ được ca đến mây xanh là những người thầy đầu tiên trong sự nghiệp "trồng người" lớn lao.

Đấy chính là mâu thuẫn “chết người” giữa trọng trách quá vĩ đại mà Bộ giáo dục và đào tạo và một phần xã hội tưởng chừng đã giao phó, với quyền lợi thực chất quá nhỏ nhoi của người thực hiện. "Nói" và "làm" không đi đôi mà khác nhau một trời một vực.

Tháng 4 năm ngoái, Tổng cục Thống kê dưới sự trợ giúp của tổ chức Unicef công bố con số giật mình: Gần 75% số trẻ em từ 2- 14 tuổi ở Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình bạo hành. Giật mình thật, nhưng... nhiều quá! Nhiều quá thì cũng nhàm! Cho nên, cứ mỗi vụ bạo hành trẻ em được phát hiện thì dư luận miễn cưỡng “ré” lên ít tiếng rồi thôi. Còn cái gốc của vấn đề thì vẫn nằm nguyên đó.

Không nuôi được xin đừng đẻ ra!
Nghèo đói, kém hiểu biết cộng với sự tham lam, ích kỷ khiến không ít bậc cha mẹ đang tâm vứt bỏ, hoặc hành hạ chính đứa con mình đứt ruột đẻ ra.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn